Một trong những hoạt động nổi bật trong hoạt động của Hội là công tác chăm lo sức khỏe cho nạn nhân.

    Hiện, số lượng, mức độ bệnh tật cũng như hoàn cảnh kinh tế của các nạn nhân đã được các chi hội cơ sở tiến hành điều tra, phân loại.

    Kết quả, toàn TP có 60 hội viên suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; 107 người suy giảm khả năng lao động từ 61 đến 80%; 508 người suy giảm khả năng lao động từ 41 đến 60% trở lên; 150 người suy giảm khả năng lao động từ 21 đến 40%. Đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến có 71 người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và  138 người suy giảm khả năng lao động từ 61 đến 80%. Tại TP Cà Mau còn có 6 nạn nhân là cháu, chắt của người trực tiếp tham gia kháng chiến có biểu hiện nhiễm chất độc hóa học.

    Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, đời sống của nhiều hội viên đã phần nào ổn định. TP Cà Mau không còn hộ nạn nhân chất độc da cam thuộc diện hộ nghèo. Tuy vậy, vẫn còn một số hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhất là những gia đình hội viên có tới 2, 3 thế hệ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

    Vì thế, công tác chăm lo cho các đối tượng này luôn được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP quan tâm.  Các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên như: thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân trong dịp lễ, tết, hỗ trợ một phần kinh phí sửa chữa nhà ở, chữa bệnh cho những nạn nhân đau ốm, hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn được các cấp Hội TP Cà Mau duy trì.

    Như đã hẹn trước, chúng tôi đến thăm gia đình có đến 3 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Chị Nguyễn Trúc Linh, thành viên duy nhất trong gia đình may mắn không bị nhiễm chất độc quái ác như cha, mẹ và anh trai. Trong căn nhà cấp bốn ẩm thấp, đồ đạc rất sơ sài, bà Trần Thị Na Rền, sinh năm 1958 vợ ông Nguyễn Văn An (nạn nhân chất độc da cam đã mất 4 năm) đang nằm co quắp trên chiếc giường đặt sát cửa sổ, người con trai là anh Nguyễn Ngọc Hiền, sinh năm 1983 ngồi trên chiếc chiếu  với đứa cháu lên 3 trải giữa nhà, anh Hiền thấy khách đến rất vui, miệng cứ cười nói một cách vô thức.

    Bà Na Rền từng là cựu y tá bên chiến trường Campuchia từ năm 1970-1975. Trở về Việt Nam bà kết hôn cùng ông Nguyễn Văn An, bộ đội tham gia chiến trường miền Nam tại Sóc Trăng. Vẫn tưởng hạnh phúc sẽ nhân đôi khi bà Na Rền sinh người con trai đầu lòng. Nào ngờ, anh Hiền chào đời với thân thể dị dạng. Dù hết lòng chữa trị nhưng anh Hiền chỉ lớn được thân xác. Mãi sau này gia đình mới biết con trai mình bị nhiễm chất độc da cam từ cha và mẹ.

   Bà Trần Thị Na Rền, nghẹn ngào kể "Cả gia đình 4 người nhưng 3 người bị nhiễm chất độc hóa học. Bản thân tui giờ bị xơ gan, viêm đa khớp làm biến dạng tay chân,.... Đau nhức tột cùng. Mọi sinh hoạt đều trông chờ vào người con gái  út"

    Gia đình ông Nguyễn Trường Thọ, khóm 6, phường 5 có 2 thế hệ bị phơi nhiễm chất độc da cam, gồm bản thân ông,  bà Thái Thị Bảy (vợ) và con gái thứ 4 Nguyễn Hương Huệ. Thời chiến ông Thọ từng tham gia nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Do ảnh hưởng chất độc da cam và khí hậu khắc nghiệt nơi chiến trường Campuchia nên trở về Việt Nam ông Thọ thường lên cơn sốt, mệt mỏi không làm được việc nặng. Vợ ông là bà Bảy thì đi đứng khó khăn, còn chị Huệ con gái ông bà sinh ra đã dị tật bẩm sinh nên không thể tự sinh hoạt cá nhân.

    Đón nhận phong bì là 2,1 triệu đồng tiền mặt của Hội nạn nhân chất độc da cam TP Cà Mau trao tặng nhân dịp 10/8 năm nay, ông Nguyễn Trường Thọ, xúc động "Tôi cảm ơn Đảng, nhà nước luôn quan tâm giúp đỡ cho gia đình tôi bao nhiêu năm qua. Tôi lấy đó là niềm động viên to lớn để tiếp tục sống".

Ảnh: Cán bộ Hội đến thăm và tặng quà cho nạn nhân Trần Thị Na Rền

    Ông Trương Minh Triều, chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam phường 5, cho biết "Hiện nay phường có 185 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam và không có hộ nghèo. Để xoa dịu nỗi đau mà các nạn nhân gánh chịu chúng tôi sẽ tiếp tục vận động tiền, quà để trao tặng cho các hộ có hoàn cảnh còn khó khăn".

   Chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam không chỉ là trách nhiệm của một hoặc hai đơn vị, mà cần có sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội. Đây cũng là việc làm nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết các chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

   Điển hình từ đầu năm đến nay, Thành hội vận động được 19,8 triệu đồng, 6,5 tấn gạo trị giá hơn 270 triệu đồng, 5 chiếc xe đạp để tặng cho 400 nạn nân chất độc da cam đi ô xin có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

  Bên cạnh công tác chăm lo cho hội viên, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy và chính quyền địa phương, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin TP Cà Mau đã triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động xây dựng quỹ Hội, trên tinh thần tự nguyện, tuân thủ các quy định của pháp luật và Điều lệ Hội. Theo đó, toàn Hội đã vận động quyên góp được hơn 232 triệu đồng. Qua đó, các cấp hội có thêm nguồn kinh phí hoạt động, chăm lo cho hội viên, nâng cao chất lượng đời sống.

   Ông Mạc Thanh Bô, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC TP Cà Mau, cho biết: “Xác định giúp đỡ nạn nhân CĐDC là việc làm thiết thực, ý nghĩa, hội nạn nhân CĐDC/Dioxin các cấp trên địa bàn TP luôn cố gắng làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Từ đó, nạn nhân bị nhiễm CĐDC được hưởng đúng, đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước và nhận được nhiều sự trợ giúp khác”.

   Với phương châm “Đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm - vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin”, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp của TP đã luôn đồng hành, quan tâm và hỗ trợ chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân. Điển hình 7 tháng qua, Thành hội trợ vốn không lãi suất cho gia đình hội viên Nguyễn Thị Thay xã Lý Văn Lâm, hội viên Trần Kim Oanh, phường 1, hội viên Nguyễn Thị Diễm, xã Định Bình với số tiền 27 triệu đồng làm kinh tế.

    Chia sẻ về phương hướng hoạt động của Hội trong thời gian tới, Ông Mạc Thanh Bô, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC TP Cà Mau, cho biết: Song song với công tác xây dựng, quản lý, phát triển tổ chức và hoạt động của Hội ngày càng vững mạnh, với nghĩa tình, trách nhiệm của mình, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân bằng nhiều hình thức, hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Như sửa chữa, cất mới nhà ở, trao gạo, quà, tiền… để nạn nhân da cam được tiếp thêm niềm tin yêu và động lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Bài và ảnh Bích Lệ