Ông đã chứng kiến cuộc sống khốn khổ của những đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam, khiến ông thấy day dứt và xót xa trong lòng. Hơn ai hết, ông hiểu rõ những mất mát, thiệt thòi, nỗi đau thương mà các em và gia đình đang phải gánh chịu. Đó là nỗi đau da cam. Chính điều đó đã thôi thúc ông lên đường trở lại Việt Nam để làm thiện nguyện, góp phần “xoa dịu nỗi đau da cam”.

Năm 2016 ông Matthew Keenan trở lại Đà Nẵng, được một người bạn là Cựu binh Mỹ đang sống ở Đà Nẵng và kết nối ông với Hội nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin Đà Nẵng. Suốt gần 6 năm qua ông đã gắn bó với Hội, Matthew cùng những cô giáo, nhân viên ở Trung tâm Bảo trợ nan nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố chăm sóc, giúp đỡ những đứa trẻ nạn nhân chất độc da cam nơi đây. Tạp chí Thời Đại đã có cuộc trò chuyện với Matthew Keenan.

Cuộc sống hiện tại ở Việt Nam của ông như thế nào?

Kể từ khi tôi tới Việt Nam, cuộc sống của tôi rất vui vẻ, hạnh phúc. Tôi tham gia làm tình nguyện viên tại Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng (DAVA). Tại đây, tôi đảm nhận rất nhiều vai trò. Có lúc dạy các cô bé, cậu bé viết, vẽ tranh; có khi làm huấn luyện viên trên sân bóng rổ; có lúc là người phụ xếp từng bó hương (sản phẩm của các thành viên trung tâm) ra sân phơi nắng…

Tôi rất yêu Việt Nam và sẽ ở lại và tiếp tục cống hiến sức lực giúp đỡ nạn nhân da cam. Tôi có một khát khao mãnh liệt để sống đúng với lời nhắn gửi của mẹ khi đón tôi trở về sau chiến tranh: "Tình yêu, hòa bình và hạnh phúc”. Tôi cũng sẽ trở về Hoa Kỳ trong những chuyến thăm ngắn hạn để gặp gia đình, bác sĩ và bạn bè.

Ông Matthew Keenan (ở giữa) tham gia làm tình nguyện viên tại Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng (DAVA).

Hoa Kỳ đang nỗ lực cùng với Việt Nam khắc phục hậu qủa chiến tranh. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Trong 25 năm, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tin tưởng hợp tác cùng nhau để hàn gắn vết thương chiến tranh trong quá khứ. Với những nỗ lực chân thành trong việc hợp tác tìm kiếm hài cốt của người Việt Nam và binh lính Mỹ thiệt mạng, việc tìm kiếm và phá hủy bom mìn chưa nổ, khử độc các điểm nóng chất độc da cam và hỗ trợ người dân tiếp tục bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam cả hai nước đã đạt được nhiều tiến bộ. Bên cạnh đó, còn những hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, lũ lụt và đại dịch Covid-19. Thật đáng mừng khi thấy rằng trong khi tiếp tục giải quyết các vấn đề đã qua, Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp tục là đối tác hợp tác cùng nhau vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Những hành động gần đây của Nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ambadsador Kritenbrink cam kết cứu trợ thiên tai cùng với chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris đều thể hiện sự chân thành trong việc làm cho mối quan hệ lâu dài và bền chặt hơn.

Qua các cuộc thảo luận với Tổng lãnh sự Hoa Kỳ Marie Damour, tôi được biết, bà rất mong muốn quan tâm nhiều hơn đến các khu vực miền Trung của Việt Nam và giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam và các nhu cầu cứu trợ thiên tai khác. Virus Covid-19 đang gây khó khăn trong việc hoàn thành các mục tiêu nhưng cam kết hợp tác của cả hai quốc gia dường như rất mạnh mẽ và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn hàng năm. Quá khứ, hiện tại và tương lai cho thấy rằng việc chữa lành nỗi đau bằng hy vọng và sự giúp đỡ là có thể thực hiện được và là một ví dụ cho thế giới rằng những vấn đề trong quá khứ có thể được khắc phục.

Mới đây, tôi cũng theo dõi hội thảo trực tuyến do Viện Hòa bình Mỹ (USIP) tổ chức với chủ đề "Khắc phục hậu quả Chiến tranh Việt Nam: Chặng đường phía trước". Trọng tâm chính là tìm kiếm hài cốt của binh lính và thường dân Việt Nam bị coi là mất tích trong chiến tranh. Cả hai quốc gia sẽ chia sẻ thông tin trên các chiến trường và sử dụng công nghệ DNA tiên tiến để xác định bất kỳ hài cốt nào được tìm thấy. Ước tính có 200.000 người Việt Nam đang mất tích trong chiến tranh.

Thời gian tới ông có những kế hoạch gì để giúp đỡ các nạn nhân da cam?

Trong thời gian vừa qua, tôi cùng các bạn bè của mình đã quyên góp tiền để mua xe đạp tặng học sinh nghèo ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Đến nay, tại Quảng Nam, chúng tôi đã trao 255 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo và tại Đà Nẵng là 6 chiếc.

Ngay sau khi hết giãn cách xã hội, tôi sẽ tặng thêm 5 xe đạp cho các học sinh nghèo ở Quảng Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ trao 6 chiếc xe đạp cho Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng (DAVA).

Ngày 10/8 là ngày kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam tại Việt Nam. Ông có thông điệp gì muốn gửi đến dư luận quốc tế cũng như ở Việt Nam?

Tôi là cựu binh Mỹ duy nhất đang ở Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam. Theo như dự kiến tôi sẽ bay ra Hà Nội tham dự chương trình Kỷ niệm 60 năm Thảm hoạ da cam ở Việt Nam vào ngày 10/8. Tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên sự kiện kỷ niệm đều bị huỷ bỏ. Tôi cảm thông và thấy phải có trách nhiệm hơn với nạn nhân da cam Việt Nam.

Tôi và họ đều mắc các loại bệnh do phơi nhiễm dioxin. Họ xứng đáng được quan tâm nhiều hơn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

                                                                                          Nguồn: Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam