Không đầu hàng số phận

   Nhà chị Nguyễn Ngọc Diệp ở ấp Lung Dừa, xã Lý Văn Lâm (TP. Cà Mau), gia đình có truyền thống cách mạng. Ông nội chị Diệp là tù chính trị đảo Phú Quốc, mẹ làm công tác giao liên, cha tham gia kháng chiến chống Mỹ. Cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, lúc sinh ra, Nguyễn Ngọc Diệp có đôi mắt sáng long lanh. Cô bé ước mơ sau này trở thành chiến sĩ công an để trừng trị kẻ xấu, giúp người yếu thế. Nào ngờ năm học lớp 9, cơn bệnh sốt quái ác ập đến, hành hạ nhiều ngày đã cướp đi đôi mắt của Diệp. Sau này chị mới hiểu nguyên nhân là do ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin từ ông, cha mình những ngày ở chiến trường.

   Bao ước mơ tưởng chừng khép lại từ đó, thế nhưng ánh sáng tâm hồn và nghị lực của cô gái trẻ đã chiến thắng gam màu đen tối từ đôi mắt tật nguyền. Ngày ấy, nhà có ít đất làm lúa, cha mẹ Diệp mang đi cầm cố để lấy tiền chữa trị bệnh cho Diệp. Tháng ngày trong sự chăm sóc, bảo bọc của người thân, Diệp nhói lòng khi nghe tiếng thở dài của mẹ những hôm buôn bán ế hàng, từng cơn đau nhức của vết thương trên người cha mùa trở lạnh... Cũng chính vết thương này hành hạ, khiến cha chị qua đời vào năm 1997.

   Không ai đánh thuế ước mơ, nên ước mơ là không giới hạn. Chị Diệp tâm tình: “Không thực hiện được ước mơ vào ngành Công an, thì mình ước mơ nghề khác. Nếu có nghị lực và quyết tâm thì người mù cũng học được nghề phù hợp và có thể truyền dạy cho những người cùng cảnh như mình”.

   Được sự dẫn dắt, giới thiệu của các nhà hảo tâm, chị Diệp lên TP. Hồ Chí Minh học nghề, thực hiện ước mơ thứ hai của mình. Chị quyết tâm học thành thạo những nghề người mù có thể học: Massage, đàn, vi tính, chữ nổi, kết cườm... để có thể kiếm sống bằng chính sức lao động của mình, không là gánh nặng của xã hội.

   Con đường khởi nghiệp đối với nạn nhân da cam như chị Diệp quả không hề dễ dàng. Về quê, chị Diệp chọn nghề kết cườm mưu sinh, nhưng chỉ làm được vài sản phẩm nhỏ, vì không có vốn đặt mua nhiều loại cườm. Biết được nghị lực và quyết tâm của chị Diệp, năm 2015, Hội Nạn nhân da cam/dioxin TP. Cà Mau xem xét hỗ trợ cho chị vốn phát triển kinh tế. Nhận được 8 triệu đồng, đối với chị Diệp đó là cả gia tài. Chị thận trọng tính toán, mày mò tạo nên nhiều sản phẩm mới, bắt mắt; chịu khó đi bán tại các cuộc hội chợ, công viên, trường học... từ đó sản phẩm kết cườm của chị được nhiều người biết đến, thích thú chọn mua hoặc đặt hàng qua điện thoại. Chị có điều kiện sửa sang lại căn nhà cho ấm cúng.

 

Chị Nguyễn Ngọc Diệp hướng dẫn các chị đồng cảnh học kết cườm.

Chị Nguyễn Ngọc Diệp hướng dẫn các chị đồng cảnh học kết cườm.

Đùm bọc người cùng cảnh...

   Ngày 30/11/2017, Hội Người mù tỉnh Cà Mau tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II, nhiệm kỳ 2017 - 2022; từ ủy viên khóa I, chị Nguyễn Ngọc Diệp được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội. Bao năm qua, với vai trò cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân hảo tâm với người mù, chị hết mực quan tâm đến đời sống hội viên. Hễ nghe nơi nào có người mù sống khổ, sống nghèo, chị đều tìm cách liên hệ, hoặc đi tận nơi nắm bắt hoàn cảnh, tìm hiểu tâm tư, rồi tính toán cách hỗ trợ hợp lý.

   Thuê căn nhà 5 triệu đồng mỗi tháng trên đường Lê Anh Xuân, Khóm 8, Phường 8 làm Trụ sở Hội Người mù tỉnh, là quyết định táo bạo của Ban Thường trực Hội. Họ mong muốn người mù có nơi sinh hoạt, chia sẻ vui buồn, nương tựa, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tại đây, Hội mở cơ sở xoa bóp, massage để có kinh tế trang trải. Chị Diệp trần tình: “Lập cơ sở này, chúng tôi muốn tạo công ăn việc làm cho người mù, tạo điều kiện cho họ tiếp xúc, hòa nhập với xã hội. Hiện còn rất nhiều người mù vùng sâu, vùng xa cuộc sống rất khó khăn, tôi hy vọng cơ sở ngày càng phát triển để cưu mang, giúp đỡ nhiều người cùng cảnh”.

    Trễ nhưng không muộn, nghĩ thế, chị cứ lần tìm những cảnh khổ để giúp đỡ, đùm bọc. Chị Mã Diệu Tâm (49 tuổi, quê huyện Phú Tân) là một trong nhiều trường hợp. Chị Tâm bị mù bẩm sinh, sống nhờ sự chăm sóc của cha mẹ. Rồi cha mẹ mất, anh em trong gia đình không màng đến chị, chị bơ vơ, lầm lũi một mình. Duyên may gặp chị Diệp đưa về Hội, lo nơi ăn chốn ở, chị Tâm được sống vui với mọi người. Chị Diệu Tâm bộc bạch: “Hàng ngày trò chuyện cùng chị Diệp, được chị động viên, khuyên bảo, tôi dần xóa bỏ mặc cảm, tự ti. Chị Diệp còn dạy tôi và nhiều chị em ở đây kết cườm để có thể tự kiếm tiền, tự nuôi mình”.

   Khiếm khuyết đôi mắt, chị Diệp thấy mình may mắn hơn bao nạn nhân da cam nặng khác, nên chưa bao giờ chị oán trách số phận hay xem đó là rào cản. Từ lời nói đến hành động, chị Diệp luôn khéo léo, chừng mực, là tấm gương sáng về nghị lực sống, làm thay đổi bao cách nghĩ tiêu cực, bế tắc.

   Ngày nào cũng vậy, hễ bán hết vé số, chị Phạm Thị Đẹp lại tạt qua chỗ chị Diệp để tâm tình, mà theo chị Đẹp chính nơi đây chị mới tìm được niềm vui, động lực trong cuộc sống. Chị Đẹp nhà ở cùng xóm với chị Diệp, lúc nhỏ bị sốt bại liệt, khiến đôi chân teo nhỏ, yếu dần. Thấy Đẹp đi đứng bất tiện, chị Diệp đi xin cho chiếc xe lắc điện, để thuận tiện bán vé số nuôi hai con nhỏ sau khi chia tay chồng...

   Trong lòng chị Diệp lúc nào cũng đau đáu những hoàn cảnh cần hỗ trợ, vui mừng khi vừa vận động được nhà cho cô này, còn hộ anh kia cần tiền chữa bệnh cho con... Thế là trên vai chị thêm gánh nặng, thôi thúc chị phải cố gắng nhiều hơn nữa trong hành trình tìm nguồn tương lai tươi sáng cho người mù.

Chị Nguyễn Ngọc Diệp (bìa trái) hỏi thăm tình hình buôn bán của chị Phạm Thị Đẹp.

Chị Nguyễn Ngọc Diệp (bìa trái) hỏi thăm tình hình buôn bán của chị Phạm Thị Đẹp.

...Và những dự định tươi sáng

   Chị Diệp ấp ủ nhiều dự định lớn lao là làm sao để người mù học được cái nghề, tự làm ra sản phẩm, tự kiếm sống bằng chính lợi thế là đôi tay mạnh khỏe và cái tài hoa của người mang tật. “Tuy nhiên cái khó hiện nay là Tỉnh hội vẫn chưa có trụ sở sinh hoạt, nhiều bạn ở các huyện gọi điện lên xin theo học nghề, nhưng nơi ở chật hẹp, tôi đành từ chối mà xót dạ lắm”, chị Diệp bộc bạch.

   Theo chị Diệp, có rất nhiều nghề người mù có thể học và sống được với nghề: Massage, đàn, vi tính, kết cườm, đan, thêu... Ông Lý Văn Nhảnh, nhà ở xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, năm nay 53 tuổi, lần đầu tiên học được nghề, ông mừng run run không nói nên lời. Nhờ chị Diệp và anh em trong Hội hướng dẫn tận tình, gần nửa tháng học xoa bóp, bấm huyệt, giờ ông Nhảnh chuẩn bị “ra trường”. Ông định thuê căn nhà nhỏ mở cơ sở xoa bóp, giác hơi tại thị trấn Cái Nước, nhưng còn khó khăn nguồn vốn. Trường hợp của ông Nhảnh là tình cảnh chung của nhiều người mù có nghề trong tay mà không thể hành nghề.

   Nhiều người mù tự làm ra các sản phẩm thêu, đan, kết cườm... nhưng đầu ra còn khó khăn, do việc đi lại, tiếp xúc hạn chế. Như chị Diệp hàng ngày phải thuê xe chở đi bán sản phẩm cườm ở các điểm chợ, vừa không ổn định thu nhập lại không ổn định chỗ bán. Nhờ chị bán lâu năm, quen biết nên được mọi người thương tình giúp đỡ. Chị Diệp bộc bạch: “Người mù có thể tự nuôi sống chính mình khi biết vượt qua số phận, và quan trọng là sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng. Ví như tôi khi đã học được nghề, nếu không có nguồn vốn hỗ trợ của Hội trước đây, tôi sẽ không thể phát triển, không có điều kiện dìu dắt các bạn    như hôm nay”. 

   Cà Mau có hơn 1.400 người mù, đời sống gặp nhiều khó khăn. Song, chỉ có huyện Phú Tân và huyện Cái Nước thành lập được hội người mù cấp huyện. Suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, chị Diệp không mong gì cho bản thân, chị hy vọng thông qua bài viết này sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm biết đến những khó khăn của Hội Người mù, để tiếp tục quan tâm, sẻ chia.

MỘNG THƯỜNG

(Báo ảnh Đất Mũi)