Hiện nay, huyện Phú Tân có 438 người phơi nhiễm chất độc da cam đang được hưởng chế độ của Nhà nước. Đa số các nạn nhân chất độc da cam còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ông Trần Văn Đua, sinh năm 1982, ấp Tân nghĩa, xã Rạch Chèo, là nạn nhân chất độc da cam do di chứng nên thường xuyên bị bệnh tật. Trước đây, ông Đua lập gia đình và sinh được 1 người con, nhưng do di chứng, con ông Đua cũng bị nhiễm chất độc da cam nên cuộc sống ngày càng khó khăn. Cách đây 4 năm, vợ ông Đua bỏ nhà ra đi cùng với đứa con, hiện tại ông Đua sống một mình. Với diện tích đất được cha mẹ cho khoảng 10 công nuôi tôm luôn thất bát, cuộc sống chủ yếu nhờ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Chất độc hoá học đã ảnh hưởng đến nhiều trẻ em, gây ra nỗi đau và khánh kiệt kinh tế cho nhiều gia đình.

     Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và bảo trợ xã hội huyện Phú Tân Bùi Ngọc Hà cho biết: “Những năm qua, công tác chăm sóc, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân nhiễm chất độc da cam luôn được các cấp, các ngành và cán bộ hội chỉ đạo thực hiện tốt”. Ngoài thực hiện đúng, đủ các chế độ chính sách, từ đầu năm 2019 đến nay, các cấp hội đã vận động quà, tiền được trên 2 tỷ đồng, xây dựng cầu, nhà, hỗ trợ khoan cây nước cho các nạn nhân chất độc da cam.

    Bà Bùi Ngọc Hà nhìn nhận: “Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Bảo trợ xã hội huyện Phú Tân đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều tổ chức, cá nhân, bởi đây là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, công tác vận động vẫn chưa đáp ứng theo nhu cầu, bởi số lượng đối tượng được giúp đỡ, thụ hưởng còn ít so với khó khăn mà họ gặp phải. Vẫn còn nhiều nạn nhân sống trong hoàn cảnh khó khăn, sống dựa vào sự chăm lo của chính quyền địa phương hoặc sự cưu mang của những tấm lòng hảo tâm”.

    Để thực hiện tốt hơn công tác chăm lo nạn nhân nhiễm chất độc da cam, thời gian tới, hội sẽ tích cực tuyên truyền góp phần giúp các tầng lớp Nhân dân hiểu đầy đủ hơn về hậu quả của chất độc hoá học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hội tiếp tục thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, cũng như vận động các nguồn lực để chăm lo hỗ trợ cho các nạn nhân da cam, bởi chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam không phải là trách nhiệm của riêng ai, mà cần sự chung tay góp sức của cộng đồng, xã hội./.

                                                                                                                  Anh Phan

                                                                                                           (Trích Báo Cà Mau)