Đi rồi sẽ đến…

    Tôi từng tiếp xúc với chị Trần Kim Oanh (Phường 1, TP. Cà Mau) tại Lễ Kỷ niệm 55 năm Thảm họa da cam Việt Nam do tỉnh tổ chức. Lúc ấy chị là cá nhân duy nhất được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích nạn nhân da cam vượt khó. Nay tìm hiểu cặn kẽ về chị, tôi càng cảm kích trước cách sống giàu nghị lực và suy nghĩ tích cực của chị - “Đi rồi sẽ đến, nếu không đi thì chúng ta sẽ mãi giẫm chân tại chỗ”.

   Oanh sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha là ông Trần Văn Hưu (Trần Nguyễn Biển), cống hiến hơn 40 năm cho quân đội. Những năm kháng chiến chống Mỹ, ông là cán bộ bảo vệ Tỉnh ủy, rồi trợ lý trinh sát của Thị đội, Đại đội phó phụ trách tác chiến Tiểu đoàn U Minh 2. Ông về hưu năm 1995 với cấp hàm Thượng tá - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Cà Mau. Thời ấy, mẹ Oanh làm giao liên. Mẹ Oanh sinh 6 người con, 2 người mất trong chiến tranh, một vì bệnh, một bị trúng mìn khi nằm trên lưng mẹ vượt vòng vây của địch. Trận đó, mẹ Oanh bị mù một mắt, là thương binh 3/4.

   Kim Oanh là con thứ 4, sinh ra đã bị bại liệt cả hai chân do ảnh hưởng chất độc hóa học từ cha, mẹ. Cơ thể yếu ớt, 11 tuổi Oanh mới bắt đầu tập đứng, mới bắt đầu đi học lớp 1. Chị bồi hồi kể: “Dù thời gian trôi qua nhiều năm nhưng tôi vẫn nhớ cái cảm giác lạ lẫm, mặc cảm những ngày đầu đến lớp. Tôi ngồi một góc nhìn bạn bè chạy nhảy, vui đùa. Cô giáo thấy thế đến an ủi, động viên, rồi mỗi giờ ra chơi cô đều ẵm tôi ngồi trên bàn giáo viên, trò chuyện cùng tôi, có khi ẵm tôi vòng vòng sân trường, để tôi được hòa nhập cùng bạn bè”. Những năm học sau đó, anh chị Oanh, người lập gia đình, người đi làm xa; việc đến trường của Oanh đều do các bạn thay nhau cõng đi, cõng về, không thì cô giáo chở đi, chở về…           

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng chị Trần Kim Oanh, tại Lễ Kỷ niệm 55 năm Thảm họa da cam Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng chị Trần Kim Oanh, tại Lễ Kỷ niệm 55 năm Thảm họa da cam Việt Nam.

   Hồi tưởng những chuyện đã qua trong đời mình, người phụ nữ tuổi 40 không hề thấy mình bất hạnh khi luôn nhận được yêu thương, sẻ chia từ mọi người. Chính tình yêu thương ấy đã cho Kim Oanh vượt qua mặc cảm, hoàn thành 12 năm đèn sách. Oanh ước mơ làm giáo viên, nhưng bản thân không thể đứng được trên bục giảng. Oanh thích học về chuyên ngành nghiên cứu tâm lý, nhưng gia đình không có điều kiện. Thế là bao dự định tương lai đành gác lại. Nhưng đối với người giàu nghị lực như Oanh thì chị không hề bỏ cuộc.

   Một điều nể phục ở Oanh là chị không muốn mình trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Thời còn đi học, gia cảnh khó khăn, ngày đi học, ban đêm chị nhận đồ về làm gia công, để kiếm tiền trang trải học phí và phụ giúp gia đình. Năm 2006, Oanh lên TP. Hồ Chí Minh giúp việc cho gia đình người cháu; tranh thủ buổi tối đến Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật để học nghề nail, nghề đan giỏ, làm hoa bằng pha lê… Vốn nhanh nhạy và khéo léo, chừng năm sau, chị đã thành thạo nghề, nhưng để có tiền mở tiệm không hề dễ dàng. Chị nhận đan giỏ trầm hương gia công cho các cơ sở xuất khẩu, rồi đi làm cho các công ty mỹ phẩm… để trang trải cuộc sống.

Trở thành bà chủ tiệm nail

   Duyên may đến với chị, người cháu của chị có chồng ở Singapore, qua đó định cư, cô ấy có ý định mở tiệm nail, nên bảo lãnh chị qua dạy nghề cho đến khi tự mở được tiệm. Niềm đam mê làm “nghệ thuật” trên những ngón tay, ngón chân với người tài hoa như Oanh “như cá gặp nước”. Thời gian người cháu có con nhỏ hay dịp tết, chị đều sang đó phụ giúp tiệm, vừa nâng cao tay nghề, vừa có số vốn để thực hiện dự định tương lai. Cũng tại đây, chị đã truyền nghề cho nhiều bạn trẻ người Việt, để họ lập nghiệp ổn định trên đất khách.

 

Không ngừng cập nhật kỹ thuật, mẫu mã mới, làm hài lòng khách hàng.

Không ngừng cập nhật kỹ thuật, mẫu mã mới, làm hài lòng khách hàng.

   Căn nhà trong hẻm ở Quận 7, TP. Hồ Chí Minh, được chị thuê vừa làm chỗ ở vừa làm cửa tiệm, đến nay cũng hơn 5 năm. Khách đến tiệm Oanh ngày càng đông. Chị chia sẻ: “Ngoài tay nghề, tôi coi trọng cách phục vụ và chọn những sản phẩm sơn bền màu, không độc hại, quan trọng là phải không ngừng cập nhật kỹ thuật mới, mẫu mã mới: Đắp bột, pha nổi, vẽ gel… để làm hài lòng khách”. Năm rồi, chị Kim Oanh được Hội Nạn nhân chất độc da cam/DIOXIN TP. Cà Mau hỗ trợ 10 triệu đồng, để mở rộng, sửa sang cửa tiệm khang trang hơn. 

   Đối với nạn nhân da cam hay những người khuyết tật, việc học được cái nghề tự nuôi sống bản thân không hề dễ dàng, trước tiên là những bất lợi của cơ thể, điều kiện kinh tế, rồi những mặc cảm, tự ti khi tiếp xúc với mọi người… Thế nhưng chị Kim Oanh đã đủ nghị lực vượt qua, thể hiện bản thân bằng chính những điều tốt đẹp mình làm trong cuộc sống, nên được mọi người yêu thương, giúp đỡ. Chị Oanh hớn hở: “Tôi kém may mắn về hình thể, nhưng được cái hạnh phúc là đi đâu cũng gặp người tốt, cũng có người giúp đỡ, nên lúc nào cũng cảm thấy an toàn và không lẻ loi”.

 

Sống lạc quan, tích cực, chị Oanh được mọi người yêu mến, giúp đỡ.

Sống lạc quan, tích cực, chị Oanh được mọi người yêu mến, giúp đỡ.

   Mong muốn được góp sức cho những người đồng cảnh, chị đề xuất với Hội Nạn nhân chất độc da cam/DIOXIN tỉnh, mở lớp dạy nghề nail, khi đó chị sẽ đứng ra dạy miễn phí cho nạn nhân da cam, người khuyết tật ở quê mình, để họ có được cái nghề tự nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình và tự tin trước xã hội.

   Qua điện thoại, chị Oanh phấn khởi cho biết, chú Năm Bô (Mạc Thanh Bô), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/DIOXIN TP. Cà Mau, vừa gọi điện kêu chị về nhận Giấy khen của Tỉnh hội tuyên dương nạn nhân chất độc da cam vượt khó tại Hội nghị điển hình tiên tiến sắp tới. Lần này đành lỡ hẹn, vì chị đang đứng ra ký nhận đóng gói dụng cụ học tập, mang về cho chị em ở khu phố cùng làm, nên không thể bỏ việc.

                                                                                                                                              MỘNG THƯỜNG