Thảm họa da cam/dioxin xảy ra ở Việt Nam cách đây 59 năm, đã để lại hậu quả vô cùng to lớn. Trong đó, đã có những gia đình gánh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi loại chất độc hóa học do Mỹ gây ra. Cùng với cả nước, công tác chăm lo, giúp đỡ cho các nạn nhân da cam và gia đình luôn được các cấp trong tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm. Bên cạnh sự hỗ trợ của địa phương, đã có những cá nhân không ngừng nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống. Chú Mai Văn Khoa, ở khóm 5, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời là một tấm gương điển hình.
 



Gia đình chú Khoa trồng trầu bán để phát triển kinh tế.

     Chú Mai Văn Khoa, sinh năm 1957. Vào năm 1972, chú Khoa theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ và chiến đấu tại Lữ đoàn 962. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, đến năm 1978, chú rời quân ngũ, trở về quê hương sinh sống và lập gia đình. Những tưởng về lại quê hương sẽ được hòa chung niềm vui khi đất nước thống nhất, nhưng sau khi lập gia đình, chú lại nhận thấy sức khỏe của bản thân ngày một yếu đi, một phần cũng do ảnh hưởng của quá trình đi lính. Cùng với đó, khi lập gia đình, vợ chú đã sinh được 05 người con gái, do thấy chú cũng thích con trai nên vợ chú đã mang bầu, hi vọng người con thứ 6 sẽ là con trai để chú được vui. Ai có ngờ đâu, chẳng những người con thứ 6 không phải trai mà còn có gương mặt hơi khác lạ, không bình thường như những đứa con trước, nguyên nhân cũng do ảnh hưởng bởi của chất độc da cam/dioxin.

   Là một người cha khi thấy con mình sinh ra không giống những đứa trẻ khác chú cảm thấy rất buồn, nhưng rồi chú cũng phải cố gắng gượng để làm chỗ dựa cho cả gia đình. Một điều có thể được xem là may mắn đối với chú chính là đứa con gái út tuy chịu ảnh hưởng bởi chất độc da cam nhưng chị vẫn đi lại, nói năng bình thường, không ảnh hưởng nặng đến mức phải nằm một chỗ và không có nhận thức như những nạn nhân khác. Tuy nhiên, đến nay chị đã 27 tuổi, có được nhận thức, nhưng suy nghĩ của chị vẫn cứ như một đứa trẻ, đây là điều khiến chú Khoa nhiều lúc cảm thấy buồn và có đôi lúc cũng cảm thấy vui. Chú buồn vì con mình không có đủ nhận thức như những người cùng trang lứa và chú cảm thấy vui bởi tâm hồn ngây thơ, trong sáng của cô con gái út tuy mang bệnh nhưng vẫn biết lo lắng cho cha mẹ, luôn làm những trò khiến cha mẹ được vui và sẽ ở bên cạnh cha mẹ khi 05 người chị có được gia đình nhỏ của riêng mình. Đó cũng chính là động lực để chú không ngừng cố gắng vươn lên.

    Mặc dù sau khi đi lính trở về sức khỏe không được ổn định, nhưng để có thể chăm lo cho gia đình của mình, chú Khoa đã tập trung vào sản xuất để phát triển kinh tế. Tận dụng 03 công đất của gia đình, chú dùng làm ruộng và sử dụng khoảng 01 công đất để làm rẫy, trồng các loại rau màu như bầu, bí, dưa leo, cải,… Bên cạnh đó, gia đình chú còn tận dụng đất trống xung quanh nhà để trồng trầu; kết hợp nuôi heo thịt và heo giống để bán.
 



Vợ chồng chú Khoa cùng đứa con gái út luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên từ địa phương để cố gắng vươn lên ổn định cuộc sống.

      Chú Khoa cho biết: “Đi lính về cứ tưởng có thể lập gia đình, sinh con ổn định cuộc sống, như thế là vui rồi, nhưng ai có ngờ lại sinh ra đứa con gái út bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Mặc dù tôi cảm thấy buồn, nhưng biết làm sao, may mắn là nó còn có chút nhận thức, tuy không bằng mọi người, nhưng được vậy là tôi thấy mừng rồi, giờ chỉ mong sao cho nó được khỏe mạnh. Mỗi tháng cha con tôi cũng nhận được trợ cấp khoảng 04 triệu đồng của nhà nước, cùng với đó là nhận được sự thăm hỏi, động viên từ địa phương, người thân, chòm xóm. Hiện tại, tôi cũng cố gắng lao động sản xuất để có thể phát triển kinh tế gia đình. Tôi cảm thấy mình không thể dựa mãi vào sự giúp đỡ của Nhà nước, bản thân mình cũng cần phải có sự nỗ lực để vươn lên. Được địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để sản xuất, tôi cảm thấy rất vui, nhờ vậy mà tôi có thể phát triển các mô hình trồng màu, chăn nuôi có hiệu quả. Thu nhập mỗi năm của tôi được trên 100 triệu đồng, nên cuộc sống ổn định hơn trước.

    Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Trần Văn Thời Trịnh Ngọc Hậu, cho biết: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình anh Khoa cũng thuộc diện khó khăn, nhưng giờ đã dần ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, anh ấy không bao giờ nãn lòng và luôn có ý chí vượt khó vươn lên. Hiện tại, sức khỏe của anh không được khỏe mạnh như trước nhưng anh vẫn chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế, làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình của mình. Bên cạnh đó, anh còn là người đảng viên gương mẫu của địa phương, tất cả những phong trào do địa phương phát động, anh Khoa đều tham gia nhiệt tình, chấp hành tốt những nội dung địa phương phát động. Anh xứng đáng là tấm gương sáng vượt lên số phận, không lùi bước trước nỗi đau da cam để nhiều người được biết đến và học tập, làm theo.
 

                                                                                                                                                     Hồng Nhung