(CMO) Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã rải hàng chục triệu lít chất độc hoá học da cam/dioxin xuống miền Nam Việt Nam, trong đó có tỉnh Cà Mau, huỷ diệt màu xanh thiên nhiên và sự sống của con người, để lại một thảm hoạ vô cùng tàn khốc. Cuộc chiến đã lùi xa 46 năm, nhưng những di chứng của chất độc da cam/dioxin vẫn cứ tồn tại qua nhiều thế hệ. Ðiều đáng ghi nhận, bằng ý chí và nghị lực, nhiều nạn nhân chất độc da cam (CÐDC) ở Cà Mau đã vượt lên nỗi đau, nỗ lực phấn đấu, trở thành những người có ích cho xã hội.

Những nạn nhân CÐDC/dioxin được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Phó bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Hồng Thắm thăm trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. (ảnh chụp tháng 9/2020)

Điển hình là chị Nguyễn Thị Khá, sinh năm 1977, ở ấp Cái Bát, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình. Chị Khá là con gái đầu của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoài, di chứng da cam đã làm cho đôi bàn chân chị teo cơ, tê liệt. Nhưng với nghị lực phi thường của bản thân, chị Khá quyết chí học nghề may, rồi mở tiệm, lúc nào cũng đắt khách. Chị còn nhận may gia công cho nhiều tiệm may ở TP Cà Mau và dạy cắt may cho nhiều lớp học trò, được mọi người yêu quý. Hạnh phúc nhất đời chị là mái ấm gia đình luôn ngập tràn hạnh phúc, chị luôn được sẻ chia, gánh vác từ người chồng và đứa con gái chăm ngoan, học giỏi.

Chị Nguyễn Thị Khá (ấp Cái Bát, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) đứng vững không bằng đôi chân mà bằng chính nghị lực, để sống có ích cho gia đình và xã hội.

Hay như chị Nguyễn Thị Năm, nạn nhân CÐDC ở ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau. Năm nay đã gần 50 tuổi, vậy mà chưa ngày nào chị ngơi nghỉ lao động. Bản thân bị teo liệt cánh tay phải cùng nhiều căn bệnh do di chứng da cam để lại nên thường xuyên đau ốm, cuộc sống hết sức khó khăn, nhưng chị luôn cố gắng nén nỗi đau vào trong, nỗ lực cùng chồng phát triển kinh tế, nuôi dạy các con sống có ích cho xã hội. Chị được Hội Nạn nhân CÐDC/dioxin TP Cà Mau hỗ trợ 10 triệu đồng mở sạp bán rau cải, góp phần ổn định cuộc sống.

Nạn nhân CÐDC/dioxin Nguyễn Thị Năm được Hội Nạn nhân CÐDC/dioxin thành phố Cà Mau hỗ trợ 10 triệu đồng mở sạp bán rau cải, góp phần ổn định cuộc sống.

"Người không tay” Ðỗ Thị Ngọc Mãi, 15 tuổi, ở xã Khánh Hoà, huyện U Minh, bị di chứng da cam quái ác: 2 cánh tay không bàn, chỉ có 2 ngón cong vẹo. Nhưng khát vọng đến trường tìm con chữ luôn cháy bỏng trong tấm thân không lành lặn. Ngọc Mãi được gia đình, bạn bè, thầy cô luôn tận tình giúp đỡ, đã biến ước mơ thành sự thật. Ngọc Mãi thông minh, chăm ngoan, học giỏi, viết chữ đẹp và làm việc nhà rất gọn gàng, xứng đáng là tấm gương vượt khó, học giỏi, đáng khâm phục.

Khát vọng đến trường tìm con chữ của em Ðỗ Thị Ngọc Mãi luôn cháy bỏng trong tấm thân không lành lặn.

Các chị Nguyễn Thị Khá, Nguyễn Thị Năm, em Ðỗ Thị Ngọc Mãi, là ba trong hàng ngàn nạn nhân CÐDC trên quê hương Cà Mau đã vượt qua “bóng đêm của da cam”, vươn lên sống  có ích cho gia đình và xã hội. Dù thân thể không lành lặn, sức khoẻ không tốt, nhưng những nạn nhân CÐDC có một nghị lực đáng khâm phục. Họ thực sự là những tấm gương sáng cho mọi người học tập./.

 

                                                                                                             Huỳnh Lâm (Báo Cà Mau)