Tấm gương chiến thắng số phận của anh Đặng Thanh Phong ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình và chị Trần Kim Oanh ở Phường 1, TP. Cà Mau, thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít nạn nhân chất độc da cam có thể lao động, tự chăm lo bản thân và gặp may mắn trong trong cuộc sống. Trên mảnh đất cực Nam này vẫn còn hàng ngàn nạn nhân da cam bị dị dạng, bệnh tật hoành hành hoặc già yếu. Những người thân trong gia đình, những cán bộ làm công tác xã hội - người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, từng ngày thầm lặng bên cạnh những mảnh đời đau khổ - họ có tình yêu thương vô bờ, tấm lòng nhân ái, nghĩa tình và chính họ xứng đáng được tuyên dương về sức mạnh tinh thần, ý chí khi trở thành điểm tựa cùng các nạn nhân chiến thắng số phận.

Hy sinh hạnh phúc riêng

    Len lỏi trên con đường đất giữa vườn chuối, vườn dừa, chúng tôi tìm đến gia đình có đến 3 nạn nhân chất độc da cam ở ấp Kinh Hãng B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời. Tiếp chuyện với chúng tôi là anh Nguyễn Văn Hãnh, gương mặt lúc nào cũng đăm chiêu, đầy lo lắng. Anh Hãnh cho biết, cha anh trực tiếp tham gia kháng chiến cả hai thời kỳ chống Pháp và Mỹ, mẹ anh là giao liên. Nhà anh Hãnh có 7 chị em, anh là con trai duy nhất, hai người chị và một người em gái từ khi sinh ra đã không giống người bình thường,  do mắc di chứng của chất độc da cam từ cha mẹ, đã khiến cho hình dáng của các chị vừa yếu ớt, vừa bé nhỏ.

   Nhà nghèo, anh Hãnh học hết lớp 10 đành gác ước mơ, ở nhà phụ gia đình lo cho chị, cho em bị bệnh tật hành hạ từng ngày. Ngoài 40 tuổi, anh Hãnh cũng có vài mối tình, nhưng họ đặt vấn đề rằng nếu cưới nhau thì đi nơi khác lập nghiệp, anh Hãnh không đành lòng. Anh Hãnh không giận họ, anh biết, đâu ai chịu ôm khổ vào thân, anh nghĩ nếu cô gái nào chịu ở chung, sớm muộn cũng xảy ra xích mích, càng khó xử hơn. Anh bộc bạch: “Tôi may mắn mạnh lành, nhìn các chị và em hình hài bất hạnh, tôi không thể nghĩ gì cho riêng mình và không thể nghỉ ngơi giờ phút nào”. Bởi anh là điểm tựa duy nhất để các chị vơi bớt đau đớn, mặc cảm.   

Anh Nguyễn Văn Hãnh phụ giúp chị làm bánh bán trong xóm.

Anh Nguyễn Văn Hãnh phụ giúp chị làm bánh bán trong xóm.

    Những người chị “cao” có gia đình đều nghèo khó. Thiếu thốn, vất vả trăm bề, mình anh Hãnh xoay xở, gánh vác. Tiền trợ cấp hàng tháng cho nạn nhân da cam và tiền đi làm thuê của anh Hãnh, đều không đủ chạy chữa bệnh cho chị, cho em. Cha mẹ mất để lại 9 công đất ruộng, cũng đã cầm cố, còn mượn nợ. Anh Hãnh bùi ngùi: “Đứa em út, tôi lo cho nó học được nghề xoa bóp, giác hơi, hy vọng có cái nghề nuôi sống bản thân, nhưng khi có chứng chỉ thì căn bệnh tim của em tái phát liên miên, giờ nó đang nằm viện ở Bạc Liêu. Chị thứ 7 thì cũng bị tim, đau nhức khớp, thuốc thang không nghỉ”.

   Trong ba “người lùn”, thì chị thứ 6 - Nguyễn Thị Lia là có thể đi được. Thương em đứt ruột, hàng ngày chị Lia gói bánh dừa, làm bánh khọt bán trong xóm. Khi anh Hãnh đi làm, thì chị Lia nhờ người đưa xuống xuồng đi giăng lưới, hái rau lo bữa ăn cho các em.

   Trong gia đình bất hạnh ấy, những con người đau khổ đang từng ngày nương tựa vào nhau, cố gắng vượt qua số phận và mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng, tiếp thêm niềm tin, động lực để họ vươn lên trong cuộc sống.

Xoa dịu nỗi đau

   Khu C của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh gồm 18 phòng, là nơi ở của 16 đối tượng chính sách, người có công, trong đó có 10 cụ là nạn nhân chất độc da cam.

   Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Mười, 75 tuổi, là người trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Bà Mười từng là giao liên, cán bộ Văn phòng của Ty Công an; sau giải phóng, bà nghỉ việc vì bệnh nặng. Bà Mười không lập gia đình, vào sống tại Trung tâm gần 20 năm nay, những lúc đau bệnh đều được chăm sóc chu đáo. Những người đã mang trong mình chất độc da cam quái ác thì bệnh hoạn đến liên miên. Cũng may là bà không sinh con, chứ nếu sinh thì không biết có được mạnh lành như con của bao người khác. Bà Mười bộc bạch: “Tháng nào Trung tâm cũng có xe đưa rước chúng tôi xuống bệnh viện tỉnh khám, lấy thuốc. Những lúc bệnh đột ngột, nằm viện thì có mấy cháu túc trực, chăm sóc tận tình”.

Những nạn nhân da cam tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh được chăm sóc tận tình, chu đáo.

Những nạn nhân da cam tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh được chăm sóc tận tình, chu đáo.

    Ở đây có bà Lưu Thái Nguyệt, cũng không chồng con, là nạn nhân da cam, bị tai biến hơn 3 năm nay, nằm một chỗ, không còn biết gì, ăn uống phải có người đút, vệ sinh cá nhân phải có người làm thay, mọi sinh hoạt đều do các chị cán bộ tại Trung tâm làm tất... Là người trực tiếp chăm lo từ miếng ăn đến giấc ngủ cho các cụ, trên 10 năm chăm sóc người già tại Trung tâm, chị Trần Thị Phương Nhung đã chứng kiến biết bao căn bệnh, bao đau đớn hành hạ thân xác các cụ. Nhói lòng trước từng cảnh ngộ, song chị và nhiều cán bộ nơi đây không thể chia sẻ đau đớn, nên nhủ lòng hãy làm tốt việc chăm sóc, gần gũi, tận tình, để các cụ cảm nhận được sự ấm áp của tình thân, thêm vui tươi, sống khỏe, vượt qua bệnh tật.

   Họ, những người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam không chỉ từng ngày thầm lặng bên cạnh những nỗi đau, mà phải rèn bản thân mạnh mẽ, đủ sức chịu đựng, vật lộn với những bất hạnh, đau đớn của nạn nhân, trở thành điểm tựa vững chắc cùng các nạn nhân chiến thắng số phận.

                                                                                                                                       MỘNG THƯỜNG

                                                                                                                                      (Báo ảnh Đất Mũi)